Bối cảnh Chiến_tranh_Hán-Triều_Tiên

Thời Chiến Quốc, năm 300 TCN, Yên Chiêu Tương vương phái đại tướng Tần Khai bắc tiến đánh Đông Hồ, lại vượt sông Liêu tấn công Cơ Tử Triều Tiên, lấy Mãn Phan Hãn làm mốc, đặt ra các quận Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, Liêu Đông, Liêu Tây.[2] Cơ Tử Triều Tiên từ đó không khôi phục lại được phồn vinh như trước. Năm 222 TCN, Tần vương Chính (tức Tần Thủy Hoàng) phái Vương Bí tấn công Liêu Đông, tiêu diệt nước Yên.[3] Vùng đất phía cực đông của nước Yên từ đó bị bỏ ngỏ.

Năm 195 TCN, Yên vương Lư Quán phản Hán thất bại, trốn sang Hung Nô. Thuộc tướng của nước Yên là Vệ Mãn tập hợp được hơn ngàn người, mặc đồ của người Di chạy về phía đông. Đoàn người Vệ Mãn tiến vào bán đảo Triều Tiên, chiếm đóng các thành cũ của Yên, Tần. Vệ Mãn được dân Yên, Tề lưu vong ủng hộ, ban đầu đối với Cơ Tử Triều Tiên xưng thần, sau đó tiêu diệt Cơ Tử Triều Tiên, tự lập làm vua, đóng đô ở Vương Hiểm.[4] Để ổn định đất nước, Vệ Mãn ước định với thái thú Liêu Đông của nhà Hán, đối nhà Hán xưng thần, lấy sông Phối làm mốc.[1][5]

Đến thời Hán Vũ Đế (141 TCN – 87 TCN), nhà Hán thi hành chính sách ngoại giao hiếu chiến, nhiều lần phát động chiến tranh tiêu diệt Hung Nô, Nam Việt, Dạ Lang. Bản thân vua Triều Tiên khi đó là Vệ Hữu Cừ lại tiếp nhận đại lượng người Hán lưu vong. Năm 109 TCN, lấy cớ Triều Tiên ngăn cản không cho các bộ tộc phía nam bán đảo Triều Tiên như Chân Phiên (진번; Jinbeon), Thìn (진; Jin) đến Hán triều cống, Hán Vũ Đế phái Thiệp Hà (涉何) làm sứ giả, ban chiếu triệu Hữu Cừ vào kinh triều kiến.[6] Hữu Cừ không chấp nhận đề nghị đó. Trên đường trở về, Thiệp Hà giết hại hộ vệ Trường Hàng (長降; Wi Jang) hay Tì Vương Trường (裨王長)[4], do Triều Tiên phái ra tháp tùng sứ đoàn.[6] Hành động của Thiệp Hà được Hán Vũ Đế khen ngợi, phong Hà làm Liêu Đông đông bộ đô úy. Không lâu sau, quân Triều Tiên tấn công Liêu Đông, giết Thiệp Hà báo thù.[6] Hán Vũ Đế vì thế giận dữ, cho chiêu mộ tội nhân, chuẩn bị cất quân tấn công.[7]